top of page
Ảnh của tác giảThúy Hoàng

Ngừng ăn chay nếu không muốn trả giá về sức khoẻ?

Ăn chay trong thời gian dài sẽ khiến bạn trả giá về sức khoẻ ?

Khi nhắc đến ăn chay, nhiều người vẫn thường nghĩ rằng chế độ này dễ gây thiếu chất, thiếu máu, và làm cơ thể suy yếu. Không ít lần, mình cũng nghe các bạn bè xung quanh chia sẻ sự lo ngại ấy, nhất là từ những ai từng thử ăn chay và cảm thấy cơ thể xuống sức trong thời gian đầu. Nhưng sự thật liệu có đơn giản như vậy?


Để trả lời câu hỏi này, mình đã mày mò tìm hiểu từ nhiều nguồn khoa học cũng như thử áp dụng ăn chay 100% một thời gian để kiểm chứng. Qua đó, mình nhận thấy những điều mình từng nghe thật ra chỉ là một phần nhỏ của bức tranh lớn. Những người từng khuyên bạn ngừng ăn chay, thực ra không hẳn là họ sai, chỉ là họ chỉ thấy 1 phần nhỏ của bức tranh.

Những hiểu lầm về ăn chay và sức khỏe: Câu chuyện từ góc nhìn phương Đông và phương Tây

Ăn chay là một phần quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, gắn liền với các yếu tố tâm linh và đạo đức từ lâu đời. Chúng ta thường thấy vào những ngày mùng 1, ngày rằm, các gia đình, nhất là người lớn tuổi, lại ăn chay để tĩnh tâm và cầu bình an. Thực đơn ăn chay của Việt Nam từ xưa đến nay hầu hết dựa trên các loại rau củ, đậu phụ, nấm, rất phong phú về hương vị.


Thế nhưng, trong các bữa cơm chay ấy, người Việt hiếm khi nghĩ đến chuyện phải bổ sung đủ lượng protein hay vitamin, mà chỉ đơn giản ăn để tâm thanh tịnh, tránh sát sinh. Với những nguyên liệu thuần rau củ, khẩu phần này vốn được tạo ra từ văn hóa tự nhiên của người Việt, không chủ đích hướng đến cân bằng dưỡng chất. Đó là lý do vì sao, khi chế độ ăn chay trở nên phổ biến theo hướng hiện đại, nhiều người nhận thấy rằng việc ăn chay sẽ làm thiếu hụt chất dinh dưỡng, làm cơ thể dễ mệt mỏi, suy yếu.

"The food you eat can either be the safest and most powerful form of medicine or the slowest form of poison." – Ann Wigmore "Thức ăn bạn ăn có thể là loại thuốc an toàn và quyền năng nhất, hoặc cũng có thể là loại chất độc chậm nhất"

Lần đầu tiên mình quyết định thử ăn chay theo kiểu Việt Nam, mình cũng gặp phải vấn đề khi cơ thể có dấu hiệu uể oải, dễ mệt. Sau khi chuyển sang chế độ ăn chay, mình chủ yếu ăn đậu hũ, rau xanh và một ít ngũ cốc như gạo lứt. Cảm giác thoải mái và nhẹ nhàng trong một vài ngày đầu bắt đầu nhường chỗ cho cảm giác mệt mỏi. Mình tự hỏi: “Liệu có phải ăn chay sẽ khiến mình thiếu chất thật không?”


Từ sự lo lắng ấy, mình bắt đầu tìm hiểu thêm và nhận ra rằng chế độ ăn chay của phương Tây – đặc biệt là những người ăn chay trường – thường có sự cân đối rõ rệt về thành phần dinh dưỡng. Thực đơn của họ phong phú các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt chia, các loại ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm giàu protein thực vật từ các loại đậu như đậu gà, đậu lăng, bơ hạt điều, … nhìn chung là không chỉ có mỗi đậu nành. Người ăn chay phương Tây thường tìm hiểu kỹ về cách bổ sung các chất thiết yếu như vitamin B12, omega-3 từ hạt lanh, rong biển và thậm chí còn uống thêm các loại thực phẩm bổ sung.


"True healthcare reform starts in your kitchen, not in Washington.” - Sự thay đổi thật sự về sức khỏe bắt đầu từ gian bếp của bạn, không phải từ nghị trường

Và đúng như vậy, sau một thời gian điều chỉnh lại thực đơn ăn chay, mình cảm nhận được năng lượng dồi dào hơn, thậm chí cảm giác cơ thể còn khỏe mạnh và nhẹ nhàng hơn trước. Thật ra, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng chế độ ăn chay nếu được thực hiện đúng cách còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, và huyết áp cao.


Góc nhìn dược sĩ: Ăn chay khoa học và cách bổ sung dưỡng chất đúng cách

Từ góc nhìn khoa học, chế độ ăn chay không gây ra các tác hại lớn đến sức khỏe nếu chúng ta biết cách cân bằng các dưỡng chất. Ví dụ, protein – loại dưỡng chất thường bị hiểu lầm là chỉ có trong thịt, cá – có thể dễ dàng tìm thấy trong đậu, ngũ cốc, và các loại hạt.


Ngoài ra, các loại vitamin B12 và D – những loại vitamin khó tìm trong thực vật – có thể được bổ sung thông qua các sản phẩm dinh dưỡng tăng cường hoặc các loại thực phẩm bổ sung. Vitamin B12 là cần thiết để duy trì sức khỏe hệ thần kinh và sản xuất tế bào máu, và có thể dễ dàng bổ sung với liều lượng thích hợp. Tảo xoắn (Spirulina) và nấm men dinh dưỡng (nutritional yeast) là nguồn cung cấp vitamin B12 từ thực vật.


Omega-3 cũng là dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe tim mạch và não bộ, có thể tìm thấy trong các loại hạt như hạt chia, hạt lanh, và quả óc chó.

Một lưu ý khác là sắt và kẽm, các chất dinh dưỡng cần thiết cho máu và hệ miễn dịch, có thể dễ dàng tìm thấy trong các loại rau xanh đậm như rau bó xôi, cải xoăn, và trong các loại hạt.


Các nghiên cứu thực sự chỉ ra rằng chế độ ăn chay giúp tăng lượng chất xơ trong cơ thể, cải thiện sức khỏe đường ruột và hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn. Một lối sống ăn chay được xây dựng một cách cân bằng, kết hợp với việc bổ sung dưỡng chất phù hợp sẽ không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn làm tinh thần minh mẫn, sáng suốt hơn.

"To keep the body in good health is a duty... otherwise we shall not be able to keep our mind strong and clear." – Buddha "Giữ cho cơ thể khỏe mạnh là nhiệm vụ của chúng ta... nếu không, chúng ta sẽ không thể giữ cho tâm trí mình mạnh mẽ và minh mẫn"

Nếu bạn đang hoặc có ý định chuyển sang chế độ ăn chay, hãy yên tâm rằng lựa chọn của mình là không hề đe doạ sức khoẻ, miễn là bạn luôn chú ý đến việc cân bằng dinh dưỡng và lựa chọn dựa trên kiến thức và hiểu biết chứ không chỉ đua theo phong trào.

Thân an, bạn nhé!


bottom of page