Vài lời tâm tình gửi đến bạn trước khi vào nội dung chính.
Trong chuỗi bài thân an này, để tránh lý thuyết suông, mình sẽ cố gắng chia sẻ những trải nghiệm thật của bản thân hoặc những người xung quanh, lồng ghép vào đó những thông tin khoa học về sức khoẻ. Với những mục có dấu > ở đầu là phần thông tin có thể mở rộng, bổ sung thêm cho bài viết, đọc hay không là tuỳ lựa chọn của bạn.
Cuối mỗi bài viết sẽ có phần "Góc nhìn Dược sĩ", đây là phần kiến thức mà mình tự tổng hợp, có thể hơi dài dòng, khô khan và khó hiểu, nhưng thường thì những kiến thức này bác sĩ của bạn không có thời gian giải thích cho bạn.
Uống nước tốt cho cơ thể, nhưng tốt đến mức nào?
Thời đi học, ai cũng từng nghe 75% cơ thể là nước. Ai cũng biết uống nước tốt cho cơ thể. Thế nhưng tốt đến mức nào, thì có lẽ rất ít người hiểu sâu.
Mình cũng không khác gì mọi người, từ bé đến lớn mình uống rất ít nước mặc cho mẹ mình kêu gào. Mình gần như chỉ uống khi nào thấy khát.
Có đợt làm bên khu sản xuất phải mặc đồ bảo hộ, muốn đi toilet thì vô cùng cồng kềnh : ra ngoài - cởi đồ bảo hộ ra - đi toilet - mặc đồ bảo hộ vô lại - đi qua 7749 bước sát trùng. Thế nên có ngày mình chỉ uống đúng 1 cốc nước bé xíu. Cũng chẳng thấy khát.
Thi thoảng đi làm về mình cũng bị đau đầu. Ở thời điểm đấy thì mình nghĩ do công việc căng thẳng, bây giờ nhìn lại, mình đã từng trải qua những thời điểm căng thẳng hơn thế nhưng không hề bị đau đầu. Vậy lý do là gì? Có lẽ bạn cũng đã lờ mờ đoán được.
Thực sự là mình chưa bao giờ hiểu rõ tác dụng của nước, kể cả sau cả chục năm đào tạo trong ngành Dược. Mình chỉ thực sự được thức tỉnh sau khi biết đến Tiến sĩ Y khoa F. Batmanghelidj và công trình cả đời nghiên cứu về tác dụng chữa lành của nước của bác ấy.
Thực sự là mình chưa bao giờ hiểu rõ tác dụng của nước, kể cả sau cả chục năm đào tạo trong ngành Dược.
Cuộc gặp gỡ tình cờ cứu sống người thanh niên - khởi điểm cho phát hiện Y học chấn động
Đôi dòng tiểu sử : Tiến sĩ Y khoa - Bác sĩ F. Batmanghelidj
Ông theo học tại Fettes College ở Scotland và tốt nghiệp Trường Y St. Mary’s thuộc Đại học London, nơi ông học dưới sự hướng dẫn của Sir Alexander Fleming, người đã chia sẻ giải Nobel cho việc phát hiện ra penicillin.
Ông đã hành nghề y tại Vương quốc Anh trước khi trở về Iran, nơi ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các bệnh viện và trung tâm y tế.
Khi Cách mạng Iran bùng nổ vào năm 1979, bác sĩ Batmanghelidj bị giam giữ tại nhà tù Evin khét tiếng như một tù nhân chính trị trong hai năm bảy tháng. Tại đây, ông đã khám phá ra sức mạnh chữa bệnh của nước.
Đây là câu chuyện được kể trong cuốn sách “Your body many cries for water” (Cơ thể của bạn liên tục kêu cứu vì thiếu nước), mình xin phép dịch lại nguyên văn để mọi người cùng đọc và cảm nhận. Đây là khoảng thời gian bác sĩ B. bị giam giữ tại nhà tù Evin.
“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy người thanh niên đó là vào lúc 11 giờ đêm một tối mùa hè năm 1980. Anh ta đau đến mức gần như bất tỉnh. Anh ấy nằm co lại trong tư thế bào thai trên sàn phòng, rên rỉ, không ý thức về môi trường xung quanh và những người lo lắng quanh anh.
Tôi đã phải lay anh ấy để có được phản ứng. Tôi hỏi anh ta có chuyện gì. Anh ấy thở hổn hển và nói, "Vết loét của tôi đang giết tôi."
Tôi hỏi anh ấy đã bị đau bao lâu. Anh ấy nói rằng cơn đau bắt đầu lúc 1 giờ chiều hôm đó, ngay sau bữa trưa, càng lúc càng đau.
Tôi hỏi anh ấy đã làm gì để giảm đau và liệu anh ấy có dùng thuốc nào không. Anh ta trả lời rằng anh đã uống ba viên cimetidine và một chai đầy thuốc kháng axit trong thời gian đó. Anh ấy nói rằng điều đó không mang lại cho anh sự giảm đau nào – ngay cả với lượng thuốc đó – trong 10 giờ kể từ khi cơn đau bắt đầu.
Khi quá nhiều loại thuốc không thể giảm cơn đau do bệnh loét dạ dày, người ta tự nhiên nghi ngờ rằng có thể vết loét đã thủng, cần mổ cấp cứu. Tôi đã từng thấy và hỗ trợ trong các ca phẫu thuật bệnh nhân bị loét dạ dày thủng. Những người đó rất khổ sở, giống như chàng trai trẻ trước mặt tôi. Để kiểm tra thì đơn giản: những bệnh nhân đó sẽ có thành bụng rất cứng, gần như là một tấm ván gỗ. May mắn thay, thành bụng của anh ấy mềm, đau nhức nhưng axit chưa đục thủng dạ dày qua vết loét viêm nhiễm của anh ta. Ba viên cimetidine, mỗi viên 300 miligam, và một chai đầy thuốc kháng axit cũng không giảm được cơn đau. Thường thì, những trường hợp như vậy sẽ kết thúc trên bàn mổ của một bác sĩ phẫu thuật có sở thích dao kéo.
Kho vũ khí thuốc men trong hoàn cảnh như vậy rất hạn chế. Bởi vì tôi có nhiều kinh nghiệm với tác dụng giảm đau của nước trong việc điều trị đau khó tiêu, tôi cho người này uống hai cốc nước đầy – khoảng gần một lít. Ban đầu, anh ta miễn cưỡng uống nước. Tôi bảo anh ấy rằng anh đã uống những loại thuốc thông thường mà không có kết quả. Bây giờ anh nên thử ‘thuốc’ của tôi cho căn bệnh này. Anh ấy không có lựa chọn nào khác. Anh ấy đang trong cơn đau nặng và không biết phải làm gì với nó. Tôi ngồi ở một góc và quan sát anh ấy trong vài phút.
Tôi phải rời khỏi phòng và khi tôi quay lại sau khoảng 15 phút, cơn đau của anh ấy đã bớt dữ dội và tiếng rên của anh ấy ngừng lại. Tôi đưa cho anh ấy thêm một cốc nước đầy – khoảng nửa lít nữa. Chỉ sau vài phút, cơn đau biến mất hoàn toàn và anh ấy bắt đầu chú ý đến những người xung quanh. Anh ấy ngồi dậy và bắt đầu di chuyển về phía tường của căn phòng. Quay lưng lại với tường, anh ấy bắt đầu nói chuyện với những người đến thăm, và họ ngạc nhiên hơn anh ấy về sự thay đổi đột ngột đó."
Sau ngày đó, bác sĩ B. đã điều trị thành công cho hơn 3.000 tù nhân khác bị bệnh loét dạ dày do căng thẳng chỉ bằng nước. Trong thời gian ở tù, ông đã tiến hành nghiên cứu rộng rãi về tác dụng của nước trong việc ngăn ngừa và giảm bớt nhiều căn bệnh thoái hóa đau đớn. Nhà tù Evin trở thành một “phòng thí nghiệm” lý tưởng, và mặc dù ông được đề nghị thả sớm, bác sĩ B. đã chọn ở lại thêm bốn tháng để hoàn thành nghiên cứu của mình về mối quan hệ giữa mất nước và bệnh loét dạ dày chảy máu. Báo cáo về những phát hiện của ông đã được xuất bản trên Tạp chí Lâm sàng về Tiêu hóa (Journal of Clinical Gastroenterology) vào tháng 6 năm 1983 (A New and Natural Method of Treatment of Peptic Ulcer Disease).
Vậy tại sao nước lại có thể giảm cơn đau dạ dày? Tại sao không vị bác sĩ điều trị nào của mình từng đề cập về nước khi mình đến gặp họ cho vấn đề trào ngược axit dạ dày của mình? (Tác dụng phụ từ việc uống kháng sinh mà mình đã kể cho bạn trong bài viết "Thân an : Nỗi niềm từ ngành công nghiệp người bệnh"). Ở bài viết tiếp theo mình sẽ giải thích cho bạn những nguyên nhân khoa học đằng sau câu chuyện tác dụng của nước lên dạ dày nhé.
Tại sao nước lại có thể giảm cơn đau dạ dày? Tại sao không vị bác sĩ điều trị nào của mình từng đề cập về nước khi mình đến gặp họ cho vấn đề trào ngược axit dạ dày của mình?
Góc nhìn Dược sĩ : Đôi dòng về thuốc dạ dày Cimetidine và những tác dụng phụ mà bác sĩ không có thời gian phân tích cho bạn.
Trên đây là câu chuyện từ những năm 1980 nhưng loại thuốc dạ dày Cimetidine này đến nay vẫn được dùng rộng rãi (tên thương mại : Tagamet®).
Chuyên mục góc nhìn Dược sĩ ngày hôm nay mình muốn chia sẻ đôi dòng với bạn về loại thuốc này, về cơ chế hoạt động cũng như những tác dụng phụ tiềm ẩn của nó.
Cimetidine là thuốc kháng thụ thể histamine H2 : Trên các tế bào ở thành dạ dày có các thụ thể H2 để gắn histamine, khi gắn vào thì sẽ kích hoạt cơ chế tiết acid. Cimetidine sẽ gắn vào các thụ thể này, cản trở liên kết với thụ thể của histamine, từ đó giảm sự bài tiết và giảm nồng độ acid dạ dày (ngay cả khi đói hay khi được kích thích bởi thức ăn).
(Nguồn hình ảnh : FB Điều dưỡng xanh)
Cimetidine, mặc dù rất hiệu quả trong việc giảm tiết axit dạ dày, cũng đi kèm với một danh sách dài các tác dụng phụ tiềm ẩn (kể cả nguy cơ liệt dương ở nam giới). Những tác dụng phụ này có thể xuất phát từ hai cơ chế chính: tác dụng không mong muốn của thuốc lên các thụ thể H2 ở các mô khác ngoài dạ dày, và sự ức chế enzyme gan quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của nhiều loại thuốc.
Ảnh hưởng đến thụ thể H2 ở các mô khác (ở não hoặc tim)
Mặc dù thụ thể H2 chủ yếu được tìm thấy trong dạ dày, nhưng nó cũng tồn tại ở một số mô và cơ quan khác.
Não:
Cimetidine có thể vượt qua hàng rào máu não và tác động lên các thụ thể H2 trong hệ thần kinh trung ương. Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, lú lẫn, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý về thận.
Tim:
Thụ thể H2 cũng có mặt ở tim, và việc ức chế thụ thể này có thể gây ra một số tác động nhẹ trên tim, như nhịp tim chậm hoặc thay đổi huyết áp, mặc dù hiếm gặp.
Ức chế enzyme gan (CYP450) dẫn đến tương tác thuốc
Cimetidine có khả năng ức chế các enzyme cytochrome P450 (CYP450) trong gan. Các enzyme này chịu trách nhiệm chuyển hóa nhiều loại thuốc khác trong cơ thể. Khi enzyme này bị ức chế, cimetidine có thể làm tăng nồng độ các loại thuốc khác trong máu, dẫn đến nguy cơ chịu độc tính hoặc tác dụng phụ từ các loại thuốc này.
Ví dụ một số loại thuốc tương tác với cimetidine : thuốc như Warfarin (thuốc chống đông), Theophylline (thuốc điều trị hen suyễn), Phenytoin (thuốc chống động kinh), và một số thuốc trị ung thư (nhóm ức chế tyrosine kinase như Dasatinib)
Tác dụng không mong muốn trên hệ nội tiết
Cimetidine cũng có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết:
Ảnh hưởng đến hormone sinh dục: Cimetidine có thể ức chế tác dụng của testosterone bằng cách cạnh tranh với thụ thể androgen (thụ thể của hormone sinh dục nam). Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như vú to ở nam giới (gynecomastia), giảm ham muốn tình dục, và trong một số trường hợp, liệt dương.
Tăng tiết prolactin: Một số nghiên cứu cho thấy cimetidine có thể làm tăng mức prolactin, một hormone ảnh hưởng đến sản xuất sữa và chức năng sinh sản.
Ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa do giảm quá mức axit trong dạ dày
Mặc dù cimetidine giúp giảm tiết axit dạ dày, nhưng việc giảm quá mức axit trong dạ dày cũng có thể gây ra một số vấn đề tiêu hóa:
Tiêu chảy, táo bón, hoặc buồn nôn: Đây là những tác dụng phụ phổ biến và có thể do thay đổi trong quá trình tiêu hóa thức ăn khi lượng axit dạ dày bị giảm.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Axit dạ dày có vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt vi khuẩn từ thức ăn. Khi lượng axit bị giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn Helicobacter pylori và các loại vi khuẩn khác có thể tăng lên, dẫn đến viêm loét hoặc nhiễm trùng.
Cimetidine, mặc dù rất hiệu quả trong việc giảm tiết axit dạ dày, cũng đi kèm với một danh sách dài các tác dụng phụ tiềm ẩn (kể cả nguy cơ liệt dương ở nam giới).
NGUỒN THAM KHẢO
Hồ sơ thông tin về thuốc Cimetidine - Vidal (Dược điển thư Pháp)
Sách Dược học cơ bản về lâm sàng (Katzung, B. G., Masters, S. B., & Trevor, A. J. (2012). Basic & Clinical Pharmacology (12th ed.). McGraw-Hill Medical).
Còn bạn, bạn hoặc những người xung quanh có trải nghiệm gì về vấn đề dạ dày không ? Mình sẽ rất cảm kích nếu bạn để lại bình luận chia sẻ với mình, và giúp mình chia sẻ bài viết này để thông tin lan tỏa đến nhiều người hơn nữa nhé!