top of page
Ảnh của tác giảThúy Hoàng

Chuyện tư duy hệ thống : Bạn đang sử dụng mindmap hay là sơ đồ cây đội lốt ?

1. Mindmap - tư duy toàn diện theo Tony Buzan

Một ngày nọ, Tony Buzan – một nhà nghiên cứu về trí nhớ – đã quan sát cách mà bộ não chúng ta xử lý thông tin, và ông phát hiện ra rằng, thay vì ghi nhớ theo cách tuần tự, bộ não lại thích nhảy múa với những ý tưởng, hình ảnh, và màu sắc! Từ đó, ông đã sáng tạo ra mindmap – một cách ghi chép “theo phong cách não bộ”. Mindmap là sơ đồ mà trung tâm là một ý chính, từ đó tỏa ra các nhánh phụ, mỗi nhánh phụ lại dẫn đến các nhánh con, gợi mở ra các ý tưởng liên quan một cách tự nhiên, logic và đầy sáng tạo.


Trong cuốn sách nổi tiếng “Sơ đồ tư duy”, Tony Buzan đã nhấn mạnh rất rõ rằng: “Sơ đồ cây không phải là mindmap”. Thế nhưng hiện nay, nhiều người vẫn chưa nhận thức được sự khác biệt này. Họ sử dụng các phần mềm vẽ mindmap để tạo sơ đồ cây và tin rằng mình đang làm đúng theo tư duy của Tony Buzan. Sự nhầm lẫn này khiến vô số người dùng không nhận được lợi ích thực sự của mindmap trong câu chuyện phát triển tư duy hệ thống.


2. Sơ đồ cây : cấu trúc phân tầng, nhưng chưa phải là mindmap

Sơ đồ cây là một công cụ mà chúng ta vẫn thường dùng để phân loại và sắp xếp ý tưởng theo cấp bậc, từ ý lớn đến ý nhỏ, với các nhánh phân tầng dọc xuống. Tuy cấu trúc của sơ đồ cây có hệ thống và rõ ràng, nhưng nó thiếu sự linh hoạt và liên kết giữa các ý tưởng. Khi nhìn vào sơ đồ cây, chúng ta khó có thể nắm bắt ngay những điểm chính yếu, bởi cách sắp xếp thông tin chỉ đơn giản là “từ trên xuống dưới”. Sơ đồ cây ngắn gọn, súc tích hơn, nhưng vẫn đi theo một kiểu logic liệt kê tương tự cách chi chép truyền thống.


Cha đẻ của mindmap - Tony Buzan, đã chỉ ra từ rất sớm rằng sơ đồ cây không phải là mindmap. Đây là điểm mà nhiều người nhầm lẫn – khi thấy các nhánh chia nhỏ từ một ý chính, họ dễ cho rằng đó là mindmap. Thực tế, sơ đồ cây thiếu đi sự kết nối đa chiều và khả năng nhấn mạnh các từ khóa quan trọng mà mindmap mang lại. Thế nên mình hay gọi vui, sơ đồ cây chính là “mindmap cục bộ”.

Khi nhìn vào sơ đồ cây, chúng ta khó có thể nắm bắt ngay những điểm chính yếu, bởi cách sắp xếp thông tin chỉ đơn giản là “từ trên xuống dưới”

3. Mindmap - tiếp cận vấn đề bằng tư duy hệ thống và trực quan hơn

“Mind maps are not just about organizing information, they are about thinking and understanding.” – Tony Buzan Mindmap không chỉ là công cụ để tổ chức thông tin, mà còn là công cụ để suy nghĩ và thấu hiểu.

Một mindmap thực sự không chỉ có ý chính và các nhánh phụ. Nó còn bao gồm các yếu tố như:

  • Liên kết giữa các yếu tố: Mindmap giúp tạo ra sự kết nối giữa các ý tưởng, không phải theo một đường thẳng mà theo nhiều hướng và tầng lớp khác nhau.

  • Từ khóa và nhấn mạnh: Mindmap cho phép bạn chọn các từ khóa quan trọng để nhấn mạnh, thay đổi cỡ chữ hoặc đi kèm màu sắc và hình ảnh, giúp thông tin dễ dàng được ghi nhớ và nổi bật hơn.

  • Thêm suy nghĩ cá nhân: Mindmap còn mở rộng không gian cho suy nghĩ của người tạo, giúp thông tin được liên kết với những gì đã có sẵn trong bộ nhớ của họ.

Từ những yếu tố trên, mindmap thực sự sẽ cung cấp được cho bạn góc nhìn dưới tư duy hệ thống : Khi bạn nhìn vào một mindmap, bạn có thể lùi lại và thấy được toàn bộ bức tranh sống động, có các chủ thể nổi bật và có sự tương quan lẫn nhau chứ không chỉ là các cấp bậc từ bé đến lớn. Khi nhìn vào mindmap, bạn có thể nhìn thấy ngay những điểm cốt lõi nhất trong một chủ đề, cũng mối liên kết tương quan giữa các ý tưởng chừng như rời rạc được bố trí xa nhau, liên hệ được đến những kiến thức có sẵn trong não ta. Đó chính là nguyên lý căn bản của tư duy hệ thống.

Khi nhìn vào mindmap, bạn có thể nhìn thấy ngay những điểm cốt lõi nhất trong một chủ đề, cũng mối liên kết tương quan giữa các ý tưởng chừng như rời rạc được bố trí xa nhau, liên hệ được đến những kiến thức có sẵn trong não ta.

4. Sơ đồ cây và mindmap trong thời đại AI : giải quyết bài toán thời gian

"A mind map is a tool for exploring connections between ideas, and helping the brain make those connections more easily." – Tony Buzan Mindmap là công cụ để khám phá các mối liên kết giữa các ý tưởng, giúp bộ não kết nối chúng một cách dễ dàng hơn.

Tuy sơ đồ cây và mindmap có vẻ tương đồng về mặt hình thức, nhưng mindmap có khả năng tái tạo và kết nối thông tin phù hợp với cách bộ não hoạt động hơn. 1 mindmap thực thụ không chỉ giúp chúng ta ghi nhớ mà còn kích thích sự sáng tạo, dễ dàng khơi dậy những ý tưởng mới bằng cách liên kết các ý nghĩ một cách tự nhiên nhờ vào tư duy hệ thống. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở sơ đồ cây, ta chỉ mới đạt một phần rất nhỏ trong cách mà bộ não thực sự tư duy.


Thế nên, mindmap rõ ràng là một công cụ không mới, và vô cùng hiệu quả, nhưng trước tiên bạn cần phải hiểu rõ bản chất thực sự của mindmap.

Thế nên, mindmap rõ ràng là một công cụ không mới, và vô cùng hiệu quả, nhưng trước tiên bạn cần phải hiểu rõ bản chất thực sự của mindmap.

Các công cụ AI hiện nay có thể giúp chúng ta tạo ra các sơ đồ cây một cách rất nhanh chóng và tiện lợi, giải quyết bài toán thời gian mà cách làm mindmap truyền thống vẫn còn hạn chế. Chỉ cần cung cấp các ý chính, AI sẽ tự động sắp xếp chúng thành các nhánh phân tầng từ ý lớn đến ý nhỏ, đảm bảo sự rõ ràng và ngắn gọn. Đây là điều mà sơ đồ cây làm tốt: sắp xếp thông tin theo thứ tự logic và phân tầng, giúp bạn dễ dàng nhìn thấy cấu trúc tổng quát của một chủ đề.


Tuy nhiên, AI chỉ hỗ trợ tạo sơ đồ cây chứ không thực sự giúp bạn tạo ra mindmap “chuẩn” như thiết kế của Tony Buzan. Mindmap không chỉ dừng ở việc phân chia cấp bậc thông tin. Một mindmap đúng nghĩa yêu cầu sự kết nối đa chiều, các từ khóa nổi bật, màu sắc, hình ảnh, và yếu tố cá nhân hóa. Đây là những thứ AI chưa thể tạo ra được một cách tự nhiên như cách mà bộ não chúng ta xử lý thông tin.


"Technology can assist in making a mind map, but it cannot replicate the thinking process that goes into it. That is the human element of mind mapping." – Tony Buzan Công nghệ có thể hỗ trợ việc tạo ra mindmap, nhưng không thể sao chép quá trình suy nghĩ đằng sau nó. Đó là yếu tố con người trong việc tạo mindmap.

Khi tạo mindmap, người dùng cần có sự tham gia trực tiếp để lựa chọn từ khóa quan trọng, tạo liên kết ý tưởng, và lồng ghép suy nghĩ cá nhân – tất cả những điều này đòi hỏi sự sáng tạo và linh hoạt, thứ mà rất may mắn, AI chưa thể thay thế hoàn toàn chúng ta. Vậy nên, nếu bạn chỉ sử dụng AI để tạo mindmap mà thiếu sự tham gia của chính mình, thì kết quả bạn có khả năng nhận được vẫn chỉ là một sơ đồ cây dưới hình thức mindmap. Vì thế, bạn vô tình bỏ qua sức mạnh thực sự của mindmapvẫn dày vò trăn trở làm thế nào để phát triển tư duy hệ thống.


 

Bạn nghĩ sao? Trong câu chuyện tư duy hệ thống, thứ mindmap bạn nghĩ mình đã biết thực sự là mindmap hay vẫn chỉ là sơ đồ cây đội lốt?


Và nếu, bạn vẫn đang băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu để rèn tư duy hệ thống, bạn có thể tham khảo khoá học Unlock your minds in 10 days để nhận kết quả đột phá tư duy trong thời gian ngắn như các học viên khác.


Đừng quên để lại comment cho mình biết suy nghĩ của bạn và chia sẻ thông tin cho những ai đang cần, bạn nhé! Bạn cũng có thể theo dõi những bài viết khác của All Happiness trong chuyên mục blog này.


bottom of page