top of page
Ảnh của tác giảThúy Hoàng

Chiến lược cám dỗ trong ngành công nghiệp thực phẩm : ai là người thực sự kiểm soát?

Món ăn vặt không chỉ là chuyện ăn

Bạn có nhớ những ngày hè oi ả, chiếc xe cá viên chiên bên góc phố trở thành điểm đến không thể thiếu mỗi chiều tan học? Mùi thơm ngọt của nước sốt, vị béo của miếng cá chiên giòn, hay đơn giản là tiếng “xèo xèo” vang lên khi viên bò viên lăn trong chảo dầu nóng.

Đó là niềm vui giản đơn của rất nhiều đứa trẻ chúng ta, và cũng là ký ức đẹp khó quên. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, điều gì khiến chúng ta không thể cưỡng lại những món ăn vặt này? Vì chúng ngon? Hay vì chúng đang được thiết kế để khiến chúng ta "nghiện" mà không hay biết?

Cuộc chiến âm thầm từ những "ông lớn"

Ở Việt Nam, đồ ăn nhanh có thể không phải là hamburger hay pizza, mà chính là những gói snack, ly trà sữa, hay những hộp mì ăn liền sẵn có mọi lúc mọi nơi. Những món ăn này dường như sinh ra để “chiều chuộng” khẩu vị của chúng ta.

Nhưng sự thật là, những món ăn này không vô hại như vẻ ngoài của chúng. Các công ty thực phẩm, với đội ngũ nghiên cứu hùng hậu, đã đầu tư hàng triệu đô la để tạo ra một điều mà họ gọi bliss point.

Bliss point là thuật ngữ chỉ sự kết hợp tối ưu giữa đường, muối và chất béo trong thực phẩm, tạo ra cảm giác ngon miệng và kích thích tối đa ham muốn ăn uống.

Khi ăn một miếng snack hay uống một ngụm trà sữa, não bạn lập tức giải phóng dopamine – một chất hóa học mang lại cảm giác hưng phấn ngắn ngủi, khiến bạn thỏa mãn ngay tức thì. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cảm giác này không kéo dài. Và để "tái tạo" cảm giác đó, bạn sẽ tìm đến chúng nhiều hơn. Chính điều này khiến các món ăn nhanh không khác gì một vòng xoáy "gây nghiện", âm thầm kiểm soát thói quen ăn uống của chúng ta.

Họ biết rằng mỗi lần bạn mua một gói snack 5.000 đồng, uống một cốc trà sữa 40.000 đồng, hay thêm mì gói vào giỏ hàng, bạn đang tiếp tay cho họ trong việc tạo ra một thế hệ “nghiện” đồ ăn chế biến sẵn mà không hề hay biết.


Nghiên cứu cho thấy đường kích hoạt não bộ tương tự như ma túy. Các công ty lợi dụng điều này để tối ưu hóa sản phẩm, từ ngũ cốc ăn sáng đến sốt cà chua. Họ cũng nhắm mục tiêu vào trẻ em, biến đường thành phần không thể thiếu trong tuổi thơ qua quảng cáo và sản phẩm đầy màu sắc.

Hoặc một ví dụ khác là về sữa. Các chiến dịch quảng cáo từ thập niên 1990 đã xây dựng hình ảnh sữa là thực phẩm cần thiết cho xương chắc khỏe, đặc biệt là cho trẻ em. Các công ty lợi dụng điều này để bán các sản phẩm "từ sữa" như sữa chua, phô mai, kem, và sữa vị chocolate – thường được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, nhưng thực tế lại chứa lượng đường hoặc chất béo rất cao.

Góc nhìn dược sĩ: làm sao để "thoát" khỏi bẫy đồ ăn nhanh?

Tất nhiên chúng ta không thể trông chờ vào các công ty thực phẩm thay đổi chiến lược đem lại cho họ nguồn thu khổng lồ. Điều bạn có thể làm chính là thay đổi cách nhìn nhận và lựa chọn của chính mình.

Theo nghiên cứu y học và dinh dưỡng, những tác động kích thích từ thực phẩm nhanh giống với cách các chất gây nghiện hoạt động – tạo cảm giác hưng phấn tạm thời nhưng để lại hệ quả dài hạn.

Để thoát khỏi sự cám dỗ này, mình khuyến nghị một số bước cụ thể:

  • Đừng để não bạn bị đánh lừa: Thói quen ăn uống không tốt thường bắt nguồn từ cảm giác đói giả. Trước khi mở gói snack hay chọn món ăn vặt, hãy uống một cốc nước. Đôi khi khát cũng giống như đói, nhưng chỉ một cốc nước là đủ để xóa tan cảm giác đó.

  • Học cách nhận biết cảm giác thật của cơ thể: Khi dopamine giảm, bạn có thể cảm thấy "thiếu thiếu" và muốn ăn gì đó. Thay vì nhượng bộ, hãy tập trung vào các hoạt động thay thế như đi dạo, tập thể dục, hoặc đọc sách.

  • Chọn món thay thế lành mạnh hơn: Thay vì snack, hãy thử một quả chuối chín hoặc một nắm hạt khô không muối. Chúng cung cấp năng lượng mà không khiến bạn “thèm” thêm.

  • Hạn chế tiếp xúc với đồ ăn nhanh: Nếu bạn không nhìn thấy chúng, bạn sẽ ít muốn ăn chúng hơn. Hãy tập thói quen chuẩn bị đồ ăn ở nhà, chọn nguyên liệu tự nhiên, tránh xa đồ chế biến sẵn.

  • Ăn chậm và lắng nghe cơ thể: Khi ăn, hãy chú ý đến từng miếng. Não cần thời gian để nhận ra bạn đã no. Hãy dừng lại trước khi bạn cảm thấy quá đầy.

Trong cuộc chiến giữa người tiêu dùng và nền công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn, kẻ chiến thắng không chỉ là người hiểu được chiến lược phía sau chiếc hamburger mà còn là người dũng cảm lựa chọn khác đi.

Hãy tự hỏi bản thân: bạn muốn sống dưới sự kiểm soát của khoái cảm tức thời, hay muốn làm chủ sức khỏe của mình để không tiêu hết những đồng tiền bạn kiếm được trên giường bệnh và sống vật vã những năm tháng cuối đời ?

Thân an, bạn nhé!

Bạn đã từng có mẹo nào hay ho để giảm sự cám dỗ từ đồ ăn chế biến sẵn chưa? Hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn ở phần bình luận bên dưới!

Nếu bài viết này giúp bạn hiểu hơn về thói quen ăn uống và tác động của các công ty thực phẩm đến sức khỏe, hãy nhấn chia sẻ để thông tin lan tỏa đến nhiều người hơn. Mỗi lượt chia sẻ của bạn có thể là một bước giúp người khác nhận thức rõ hơn về sức khỏe của chính mình!

Nguồn tham khảo

bottom of page