top of page
Ảnh của tác giảThúy Hoàng

Câu chuyện người Việt mang kháng sinh sang Pháp và sự bất đồng văn hóa y tế

Vấn nạn sử dụng kháng sinh bừa bãi


Nếu bạn đã đọc bài viết trước của mình về siêu vi khuẩn kháng thuốc, chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện về người thân của cô bạn bị nhiễm trùng mà kháng sinh không còn tác dụng. Thật đáng buồn, đó không phải là một câu chuyện hiếm gặp những năm gần đây. Bởi lẽ, chúng ta vô tình “nuôi dưỡng” đám siêu vi khuẩn này hằng ngày thông qua việc sử dụng kháng sinh bừa bãi.


Nhưng sử dụng kháng sinh bừa bãi là thế nào? Và điều này có khác nhau giữa các quốc gia như Pháp và Việt Nam không? Hãy cùng mình khám phá nhé.


Vài lời tâm tình gửi đến bạn trước khi vào nội dung chính (nếu bạn chưa đọc những bài viết khác của mình)

Trong chuỗi bài thân an này, để tránh lý thuyết suông, mình sẽ cố gắng chia sẻ những trải nghiệm thật của bản thân hoặc những người xung quanh, lồng ghép vào đó những thông tin khoa học về sức khoẻ. Với những mục có dấu > ở đầu là phần thông tin có thể mở rộng, bổ sung thêm cho bài viết, đọc hay không là tuỳ lựa chọn của bạn. Bạn có thể ấn vào dấu mũi tên này để thu gọn thông tin.


Cuối mỗi bài viết sẽ có phần "Góc nhìn Dược sĩ", đây là phần kiến thức mà mình tự tổng hợp, có thể hơi dài dòng, khô khan và khó hiểu, nhưng thường thì những kiến thức này bác sĩ của bạn không có thời gian giải thích cho bạn.

Câu chuyện người Việt mang kháng sinh sang Pháp và sự bất đồng văn hóa y tế

Có một thực tế khá thú vị mà mình từng chứng kiến: rất nhiều người Việt khi sang Pháp, dù là đi du lịch hay học tập, định cư, đều mang theo kháng sinh từ Việt Nam. Thậm chí trong cuốn Cẩm nang du học sinh mà mình dùng ngày mới đi du học, cũng có yêu cầu chuẩn bị một số loại kháng sinh như Amoxicilline (là em A mốc trong truyền thuyết mà có thể mọi người đã nghe).


Khi họ gặp những vấn đề sức khỏe đơn giản như cảm lạnh hay đau họng, họ tìm đến bác sĩ Pháp, hy vọng sẽ được kê kháng sinh ngay lập tức như thường thấy ở quê nhà. Tuy nhiên, bác sĩ ở Pháp, với sự cẩn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế, thường từ chối kê kháng sinh cho những bệnh do virus như cảm cúm. Họ thay vào đó sẽ khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi, uống nhiều nước, và chỉ điều trị triệu chứng như uống sirop giảm ho.

Ở Pháp, bạn không thể tự ý mua kháng sinh tại tiệm thuốc mà không có đơn từ bác sĩ. Chính phủ Pháp cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của kháng kháng sinh và cách sử dụng kháng sinh đúng đắn.


Và bạn biết điều gì xảy ra không? Người bệnh về nhà, dùng thuốc bác sĩ Pháp kê mà mãi vẫn không thấy bệnh giảm nhanh như kỳ vọng. Một người quen của mình khi trò chuyện còn nghi ngờ năng lực của bác sĩ Pháp, cho rằng bác sĩ "chữa dỏm", không biết điều trị như ở Việt Nam. Anh ấy dĩ nhiên là tích trữ một đống kháng sinh từ Việt Nam mang sang, đống thần dược mà theo anh ấy "uống vào hai bữa là khỏe ngay".


Sự bất đồng này không chỉ đến từ cách thức điều trị khác nhau mà còn từ thói quen sử dụng thuốc quá tự do ở Việt Nam. Người Việt mình đã quen với việc thấy bệnh thì uống kháng sinh, không phân biệt giữa bệnh do vi khuẩn hay virus. Họ cảm thấy khó chịu khi bác sĩ ở Pháp từ chối kê đơn kháng sinh cho những triệu chứng mà họ cho là "cần phải uống kháng sinh mới khỏi". Nhưng sự thật là, nếu lạm dụng kháng sinh quá mức, chính cơ thể chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề – như đã đề cập trong các bài viết trước về siêu vi khuẩn kháng thuốc.

Một người quen của mình khi trò chuyện còn nghi ngờ năng lực của bác sĩ Pháp, cho rằng bác sĩ "chữa dỏm", không biết điều trị như ở Việt Nam. Anh ấy dĩ nhiên là tích trữ một đống kháng sinh từ Việt Nam mang sang


Con người đang trả giá

Không chỉ từ con người, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng là một nguyên nhân lớn gây ra kháng thuốc.


Để đối phó với kháng thuốc ở con người, mỗi loại kháng sinh cụ thể sẽ được sử dụng phù hợp với nhóm vi khuẩn chưa kháng thuốc, tức là những kháng sinh phổ rộng sẽ được dùng cuối cùng. Ví dụ như Colistin là một loại thuốc cũ và hiếm khi được sử dụng, vì nó có thể gây hại cho gan. Vì vậy, mức độ kháng thuốc đối với nó rất thấp, điều này khiến nó trở thành một loại kháng sinh dự phòng tuyệt vời cho một số nhiễm trùng phức tạp xảy ra trong bệnh viện, nhằm chống lại các vi khuẩn đã trở nên kháng với một loạt các loại thuốc khác.


Thế nhưng, vào cuối năm 2015, một tin tức đáng sợ đã đến từ Trung Quốc. Kháng thuốc đối với Colistin đã được phát hiện. Đây là một tin rất, rất xấu. Điều này có thể phá hủy một hàng phòng thủ cuối cùng và dẫn đến rất nhiều người chết. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Hàng triệu động vật trong các trang trại lợn ở Trung Quốc đã được cho dùng Colistin trong nhiều năm. Các vi khuẩn kháng thuốc đã phát triển, lây lan đầu tiên từ động vật này sang động vật khác, và sau đó đến con người mà không bị phát hiện.


Ở Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng rất phổ biến. Động vật thường được nuôi trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, và kháng sinh được sử dụng như một biện pháp phòng bệnh liên tục. Điều này tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển.

Ở Pháp, dù quy định chặt chẽ hơn, nhưng áp lực từ ngành công nghiệp chăn nuôi và nhu cầu tiêu dùng lớn vẫn khiến kháng sinh được sử dụng trong một số trường hợp để duy trì hiệu quả sản xuất. Dù có sự kiểm soát, vi khuẩn kháng thuốc từ chăn nuôi vẫn là mối lo ngại toàn cầu.


Để đối phó với điều này, chúng ta sử dụng các loại kháng sinh khác nhau và chúng ta còn có một vũ khí bí mật khác: có những loại kháng sinh cụ thể được sử dụng để tiêu diệt các vi khuẩn đã phát triển khả năng kháng thuốc.

Có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng những loại kháng sinh này để tránh việc hình thành siêu vi khuẩn. Hoặc ít nhất, chúng ta đã nghĩ như vậy.


Góc nhìn dược sĩ : Vi khuẩn kháng thuốc lây lan và những giải pháp thay thế cho kháng sinh

Chúng mình đã cùng tìm hiểu về cơ chế xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc – vậy bạn có bao giờ làm thế nào chúng phát triển và lây lan? Có phải bạn không dùng thuốc bừa bãi thì bạn sẽ an toàn không?


Không hẳn thế bạn ạ. Vi khuẩn có khả năng trao đổi thông tin với nhau thông qua plasmid – những đoạn DNA nhỏ có thể truyền từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Điều này giống như việc chúng chia sẻ bí kíp phòng thủ với nhau. Vi khuẩn có thể "ôm nhau" và trao đổi plasmid để lây lan khả năng kháng kháng sinh. Điều đáng sợ hơn là quá trình này có thể xảy ra giữa các loài vi khuẩn khác nhau, tạo ra siêu vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc.


Trong một môi trường như bệnh viện, nơi nhiều loại thuốc mạnh được sử dụng và vi khuẩn có cơ hội tiếp xúc với nhiều bệnh nhân khác nhau, sự phát triển của siêu vi khuẩn trở nên cực kỳ nguy hiểm. Đây chính là lý do vì sao nhiều bệnh viện trở thành "nhà máy" sản xuất siêu vi khuẩn.


Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để ta đối phó với lũ siêu vi khuẩn này?

Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển những loại kháng sinh mới để chống lại siêu vi khuẩn. Tuy nhiên, tốc độ nghiên cứu này vẫn không theo kịp với tốc độ tiến hóa của vi khuẩn. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm là yếu tố then chốt.


Hãy để mình chia sẻ một vài cách đơn giản nhưng hiệu quả:

  1. Không tự ý dùng kháng sinh khi không cần thiết. Kháng sinh chỉ có tác dụng với nhiễm trùng do vi khuẩn, không phải do virus như cảm lạnh hay cúm.

  2. Uống đủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn. Dừng thuốc sớm sẽ khiến vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn có cơ hội kháng thuốc.

  3. Giữ gìn vệ sinh đúng cách và duy trì hệ miễn dịch tốt để ngăn chặn vi khuẩn trước khi chúng có cơ hội tấn công.

  4. Nếu bạn đang nuôi thú cưng hay làm trong ngành chăn nuôi, hãy đảm bảo rằng việc sử dụng kháng sinh được kiểm soát chặt chẽ.

  5. Sử dụng các loại kháng sinh tự nhiên. Bên cạnh kháng sinh truyền thống, bạn có thể tận dụng các loại kháng sinh tự nhiên để giúp tăng cường sức khỏe. Ví dụ:

    • Tỏi: Tỏi có chứa allicin, một hợp chất có tác dụng chống vi khuẩn và virus. Ăn tỏi sống hoặc dùng tỏi trong nấu ăn là cách tuyệt vời để hỗ trợ hệ miễn dịch.

    • Mật ong: Mật ong, đặc biệt là mật ong Manuka, đã được chứng minh có khả năng kháng khuẩn. Nó có thể được sử dụng để làm dịu cổ họng hoặc như một thành phần trong thức uống giúp chống viêm nhiễm.

    • Gừng: Gừng có tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp chống lại vi khuẩn và giảm viêm, rất hữu ích trong việc phòng ngừa và điều trị các triệu chứng nhiễm trùng nhẹ.

    • Nghệ: Curcumin trong nghệ có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch trong việc chống lại nhiễm khuẩn.

    • Giấm táo: Với tính axit, giấm táo có thể tạo môi trường kháng khuẩn trong cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

      Những loại kháng sinh hiệu quả, an toàn trong căn bếp nhà bạn

Việc giảm bớt lạm dụng kháng sinh sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc, từ đó bảo vệ cả chúng ta và các thế hệ tương lai khỏi mối đe dọa siêu vi khuẩn.


 

Trên đây là những thông tin và câu chuyện về sự khác biệt trong cách dùng kháng sinh của người dân Pháp và người dân Việt Nam. Còn bạn, bạn đang dùng kháng sinh như thế nào ? Mình sẽ rất cảm kích nếu bạn để lại bình luận chia sẻ với mình, và giúp mình lan tỏa thông tin này để nhiều người biết đến hơn nữa nhé!



REFERENCE


bottom of page