Bữa cơm truyền thống Việt có đang khiến bạn trả giá về sức khoẻ?
- Thúy Hoàng
- 14 thg 11, 2024
- 5 phút đọc
Câu chuyện thuở bé và tình yêu ẩm thực Việt
Khi còn bé, mình từng thắc mắc với mẹ: “Sao nhà mình ít khi ăn thịt mà cứ ăn cá khô hoài vậy mẹ? Con thấy thịt ngon hơn mà” Lúc đó, mẹ chỉ cười hiền, xoa đầu mình rồi bảo: “Vì mẹ thích ăn cá khô hơn”. Ngày ấy, mình ngây thơ tin rằng mẹ thực sự thích món cá khô mặn mòi, giản dị ấy. Lớn lên, mình mới hiểu đó chỉ là một cách mẹ che giấu sự thật rằng hồi ấy, thịt là thứ xa xỉ mà mẹ mình - một bà mẹ đơn thân vĩ đại - khó có thể thường xuyên mua được. Chỉ riêng việc lo cho 2 đứa con từng bữa ăn, cho con đến trường, đã là quá đỗi vất vả.
Hồi đó, thịt là món hiếm hoi, món thịt kho trứng thơm lừng hay đĩa thịt luộc giản dị như thể những "món quà" chỉ được ăn thoả thích trong dịp Tết, giỗ hay khi có khách quý. Vì vậy, có lẽ đối với nhiều người Việt như mình, món thịt không chỉ là thức ăn mà còn là biểu tượng của sự đầy đủ, hạnh phúc, của những ngày quây quần bên nhau.
Việt Nam, một đất nước nông nghiệp, nhưng trên bàn ăn của người Việt, thịt vẫn luôn được ưu ái. Đó không chỉ là thực phẩm mà còn là nét văn hóa, một phần của những bữa cơm đoàn viên, những món ăn đặc sản vùng miền. Nhưng giờ đây, khi cuộc sống đã no đủ hơn, mình tự hỏi: liệu thói quen tiêu thụ nhiều thịt hiện tại có thực sự tốt cho sức khỏe không?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên suy xét lại việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ, khi khoa học đã cho thấy những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe từ chế độ ăn giàu đạm động vật.

Thịt – bạn thân hay kẻ thù giấu mặt?
Trước kia, thịt là một sản vật hiếm hoi mà bất cứ nơi nào trên thế giới người ta cũng chỉ để dành cho những dịp đặc biệt. Đó cũng là lý do những món ăn truyền thống của các quốc gia đều nhiều thịt hơn rau, bởi vì đó là thứ ẩm thực cầu kì dành riêng cho những dịp quan trọng.
Theo thời gian, những thông tin về chế độ ăn uống lành mạnh dần thay đổi. Khoa học hiện đại cho thấy chế độ ăn giàu đạm động vật có thể góp phần gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, và ung thư. Thịt đỏ, mặc dù cung cấp nhiều protein và sắt, nhưng cũng có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol – “kẻ thù” của tim mạch.
Trong các dịp lễ Tết hay giỗ chạp, mâm cơm người Việt thường không thể thiếu thịt – từ thịt heo quay giòn bì, gà luộc vàng ươm đến các món kho truyền thống. Những thói quen này đã bám rễ sâu vào văn hóa, nhưng lối ăn này cũng khiến nhiều người lớn tuổi đối diện với các vấn đề như huyết áp cao, mỡ máu, và tiểu đường. Mình từng gặp nhiều cô bác có tuổi, dù rất thích các món từ thịt nhưng lại không thể ăn nhiều, vì ăn vào là tăng chỉ số mỡ máu, phải chịu đau đầu, chóng mặt.
Chưa kể, thói quen ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt chế biến như giò chả, xúc xích, nem, lạp xưởng, cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Theo một số nghiên cứu, thịt chế biến sẵn có thể chứa chất bảo quản và phụ gia như nitrit – khi vào cơ thể, nitrit có thể chuyển thành nitrosamine, một chất có thể gây ung thư dạ dày và đại tràng.

Góc Nhìn Dược Sĩ: Khoẻ hẳn ra chỉ nhờ giảm thịt
Là một người trong ngành Dược, mình hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa chế độ ăn và sức khỏe. Càng làm lâu trong ngành, mình nhận thấy rằng sức khỏe không đến từ việc ăn uống thừa mứa rồi cầu viện đến thuốc thang mà cần có sự tiết chế và cân bằng. Chế độ ăn càng có nhiều rau xanh và đạm thực vật, cơ thể sẽ càng tiêu hao ít năng lượng cho quá trình tiêu hóa, từ đó giảm áp lực lên gan, thận và đường ruột.
Các chuyên gia dinh dưỡng gợi ý rằng, chúng ta nên giảm bớt đạm động vật và ưu tiên đạm thực vật như đậu nành, đậu xanh, và các loại hạt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt đỏ chỉ nên được tiêu thụ dưới mức 300-500g mỗi tuần. Không chỉ vậy, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người áp dụng chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, với ít thịt đỏ, nhiều rau củ, hạt và dầu olive, thường có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.

Mình cũng đã thử áp dụng chế độ ăn giảm thịt trong vài năm gần đây, gần như mình chuyển hẳn sang ăn cá hoặc rau củ, chỉ ăn thịt vào một số dịp hiếm hoi (nhất là khi thèm các món ăn truyền thống Việt, bún chả, bún bò Huế, nem… Ôi thôi 1 danh sách dài nhưng đa phần đều có thịt). Cơ thể mình thực sự cảm thấy nhẹ nhàng và tràn đầy năng lượng hơn, tạm biệt luôn cảm giác buồn ngủ trĩu mắt sau mỗi bữa ăn. Nhìn từ góc độ sinh học, cơ thể tiêu hóa đạm thực vật một cách nhẹ nhàng hơn so với đạm động vật, đồng thời đạm thực vật cũng giúp tăng khả năng chuyển hóa và tiết kiệm enzyme, nên mình thấy khoẻ khoắn hơn là điều dễ hiểu.
Thay vì ăn thịt như món chính, bạn có thể biến nó thành món phụ, kết hợp cùng các món rau củ, ngũ cốc. Bạn thử áp dụng chế độ ăn “85% rau củ, 15% đạm động vật” như một cách giảm bớt lượng thịt nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Thứ ẩm thực truyền thống là một phần văn hóa Việt, là niềm tự hào của mỗi chúng ta khi nhắc về dân tộc mình, là niềm vui mỗi khi quây quần bên mâm cơm gia đình.
Thế nhưng, việc điều chỉnh thói quen ăn uống là một bước đi chậm rãi nhưng vô cùng quan trọng để sống khỏe mạnh, tận hưởng chất lượng cuộc sống lâu dài. Việc chọn lựa thực phẩm lành mạnh không nhất thiết phải là “cấm” thịt, mà là ăn với lượng vừa phải, giúp cơ thể cân bằng hơn.
Thân an, bạn nhé!
Trên đây là những suy ngẫm của mình về thói quen ăn thịt và tác động của nó đến sức khỏe. Còn bạn, thói quen ăn uống của bạn như thế nào? Bạn có nghĩ rằng việc điều chỉnh lượng thịt sẽ mang lại lợi ích cho cơ thể mình không?
Mình rất mong nhận được những chia sẻ, suy nghĩ từ bạn ở phần bình luận bên dưới. Nếu thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ để thông tin có thể lan tỏa đến nhiều người hơn nữa nhé!
Nguồn Tham Khảo
World Health Organization. (2020). Healthy Diet - Cung cấp hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm lượng tiêu thụ thịt đỏ khuyến nghị.
American Institute for Cancer Research. (2019). Red and Processed Meat and Cancer Risk - Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và nguy cơ ung thư.
Shinya, H. (2007). Nhân Tố Enzyme: Phương thức sống lành mạnh. Trong sách có đề cập thông tin về việc duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa thông qua chế độ ăn giảm đạm động vật.
Harvard T.H. Chan School of Public Health. The Nutrition Source: Protein. - Phân tích lợi ích và khuyến cáo về nguồn đạm thực vật trong chế độ ăn.
Comments