top of page

Bạo hành gia đình - Câu chuyện của đứa trẻ

Đứa trẻ tận mắt chứng kiến bạo hành gia đình


Mạng xã hội đang xôn xao với câu chuyện của Hằng Du Mục, và đọc đến dòng chia sẻ về lời nói của Dịch Dương: "Lúc ông đánh mẹ tôi, tôi còn nhỏ và tôi chỉ dám đứng núp sau cánh cửa nhìn ông đánh mẹ không dừng tay," bỗng dưng, quá khứ của mình lại ùa về.


Ba mẹ mình ly dị khi mình mới 1 tuổi, nhưng sau đó, hai người vẫn tiếp tục loay hoay trong suốt 10 năm cho câu chuyện nên chia tay hẳn hay hàn gắn vì con cái. Thi thoảng ba về một thời gian rồi lại đi vì mâu thuẫn chất chồng.


Một đêm, khi mình đang ngủ, tiếng hét thất thanh của mẹ làm mình choàng tỉnh. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mình lúc ấy là ba đang ngồi trên người mẹ, đánh liên tiếp vào mặt mẹ. Cơ thể mình như đóng băng vì sợ hãi. Tiếng thét mắc kẹt trong cổ họng, không thể cử động một ngón tay. Mình nằm trong bóng đêm, tê liệt vì nỗi khiếp sợ, không biết nên làm gì.


Cảm giác dường như cả thế kỷ trôi qua trong lúc mình nằm đó, bất động, bên cạnh là tiếng khóc của mẹ cùng cơn cuồng nộ của ba. Thế rồi ba chuyển sang bóp cổ mẹ. Lúc này, có lẽ nỗi sợ mất mẹ đã chiến thắng mọi nỗi sợ khác, mình theo bản năng nhảy lên ôm lấy tay ba, van xin: "Ba ơi, đừng đánh mẹ." Và ba đã dừng lại.


Tổn thương và hổ thẹn mang theo bên mình

Sau đêm đó, mọi người khen mình dũng cảm, mẹ cám ơn mình đã bảo vệ mẹ, mình chỉ im lặng, nghĩ rằng chỉ mình mới biết sự thật về sự hèn nhát của mình đằng sau, rằng lúc đó mình đã tỉnh giấc được 1 lúc rồi. Đến tận nhiều năm sau, mình vẫn luôn ăn năn vì đã không dũng cảm hơn. Giá như mình biết ba sẽ dừng tay khi mình van xin, giá như mình dũng cảm nhảy lên ngay từ khi tỉnh giấc thì có lẽ mẹ sẽ chịu đau ít hơn. Mỗi lần nghĩ lại, mình đều thấy bản thân nhu nhược và đáng trách.


Qua nhiều năm, rồi thì đến một lúc mình đã học cách tha thứ cho bản thân, tha thứ cho phiên bản nhỏ bé của mình ngày ấy. Không ai dạy mình phải phản ứng thế nào trong tình huống kinh khủng đó, và sự tê liệt vì sợ hãi là phản ứng hết sức tự nhiên trong tâm lý của con người. Mình đã làm những gì một cô bé tên Thúy có thể làm. Khi hiểu được điều này, mình cũng dần bước qua được bóng ma của quá khứ.


Gần đây hai mẹ con nói chuyện tự nhiên mẹ nhắc đến câu chuyện này, và mẹ lại khen mình dũng cảm. Lần đầu tiên, mình đã có thể cởi mở với mẹ, rằng mẹ ơi, dưới góc nhìn của con ngày đó thì con cảm thấy mình hèn nhát và tệ hại lắm khi đã không bảo vệ mẹ sớm hơn, vì con đã tỉnh giấc trước đó rồi. Lúc nói ra được điều này với mẹ, mẹ cười, mình cười, và mình biết rằng bản thân đã bước qua được câu chuyện cũ.


Khi không thể hoà hợp, ly hôn chính là cách bảo vệ con trẻ

Đây cũng là một phần lý do những năm tháng về sau mình chưa từng ủng hộ chuyện ba mẹ tái hợp. Và mình cũng rất biết ơn mẹ đã dũng cảm chọn “ly hôn” dù mình chứng kiến tất cả những nỗi đắng cay vất vả của mẹ trong mấy chục năm sau đó. Một lần duy nhất đã khiến tâm lý của mình tổn thương đến như vậy rồi, mình không thể hình dung bản thân sẽ trở thành người như thế nào nếu phải chứng kiến cảnh đó liên tục trong thời gian dài.


Sau này mẹ kể rằng chính câu nói thật thà của mình đã khiến mẹ quyết tâm chấm dứt hẳn với ba “Mẹ ơi, con không hiểu sao mẹ cứ muốn ba về làm gì? Mỗi lần ba về không khí trong nhà mình nặng nề lắm”. Mẹ bảo rằng mẹ nhận ra sợ con cái tổn thương thì cũng tổn thương rồi, thế nên hàn gắn cũng chẳng để làm gì nữa.


Thế là lại tiếp tục cuộc sống ba mẹ con, cười đùa vui vẻ. Với tình yêu của mẹ và của anh, đứa trẻ là mình lớn lên lành lặn, vẫn tràn đầy niềm tin vào sự yêu thương và giá trị gia đình. Ông anh yêu quý của mình cũng đóng vai trò rất lớn trong việc bổ khuyết cho mình sự thiếu vắng của ba, đó sẽ là một câu chuyện mình kể trong dịp khác.


Có hàng nghìn lý do để người ta ly hôn hay không ly hôn, và một trong số đó chính là “nghĩ cho con, cho con có ba có mẹ”. Mình, với tư cách là đứa con trong câu chuyện “ba mẹ con ly hôn từ khi con 1 tuổi (và dùng dằng chục năm sau đó)”, mình tin rằng : Khi không thể hoà hợp, ly hôn, nói cho cùng, chính là giải pháp nhân văn để bảo vệ tâm hồn non nớt của con trẻ. Để con trẻ lớn lên bình yên.


Ba mẹ con bước tiếp, với rất nhiều niềm vui


Gót chân Asin và nguyên tắc với bạn đời

Đến tận bây giờ khi kể lại câu chuyện này, hình ảnh đêm đó vẫn hiện rõ trong tâm trí mình. Trải nghiệm chứng kiến cha mẹ bạo hành là một điều khó có thể xóa nhòa trong tâm trí một đứa trẻ. Những hình ảnh ấy, như mũi dao khắc sâu vào tâm hồn non nớt, để lại những vết thương vô hình không dễ lành. Thi thoảng đọc đến những câu chuyện bạo hành gia đình, mình lại bất giác nhớ đến đêm đó, hình ảnh ba ngồi đè lên bụng mẹ, đánh liên tục không chút thương xót.


Thế nên, một trong những nguyên tắc sau này của mình khi yêu đương kết hôn chính là “Không bạo lực thể xác”. Thứ hình ảnh rõ nét trong đầu cũng khiến mình rõ hơn ai hết, một hành động bạo lực nhỏ thôi cũng có thể khiến tất cả quá khứ kinh hãi kia ùa về, và mình luôn tin “Có lần 1 sẽ có lần 2 lần 3”. Có những thứ nên không bao giờ chạm đến như thuốc phiện, hay bạo hành.


Vậy nên, dù người yêu và chồng mình hiện tại không có khuynh hướng bạo lực, mình cũng luôn làm rõ với anh, đó là điểm mấu chốt chúng ta không thể bước qua. Có thể một người phụ nữ bình thường sẽ chọn cách nhắm mắt cho qua, nhưng một người mang vết sẹo tâm lý như em, sẽ không thể.


Mỗi người đều có gót chân Asin. Và bạo hành gia đình, chính là cái thứ gót chân Asin của mình trong câu chuyện hôn nhân.

Sau này không ai nói trước được, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chồng mình vẫn hiểu.

Mẹ với chồng mình với cái bánh sinh nhật mình tự làm cho mẹ (Tháng 03/2024 dịp mẹ sang Pháp thăm hai đứa)

Quyền chọn hạnh phúc

Mình tin rằng, phần đa phụ nữ, nếu biết người đàn ông sẽ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với mình dã man hơn kẻ thù, thì sẽ chẳng chọn yêu đương kết hôn với anh ta (trừ một số rất ít đã biết mà “vì quá yêu, vì tin sẽ thay đổi được ảnh” thì mình xin phép không bàn đến).

Đến khi bước vào hôn nhân rồi, trải qua những mâu thuẫn, mới nhận ra điều đó.

Nhẫn nhịn hay ly hôn?


Sẽ không có đúng và sai. Ly hôn là một câu chuyện dài của ly hôn. Có những nỗi đắng cay tủi nhục của “bà mẹ đơn thân” một mình nuôi con, mà mình là nhân chứng sống. Điều duy nhất mà mình hi vọng những người phụ nữ trên đời này sẽ chọn, là chọn hạnh phúc.


Mình không thể lựa chọn điều gì sẽ xảy đến với cuộc đời mình, nhưng mình luôn có thể chọn cách mình đối mặt với nó.

Vậy nên khi biến cố xảy ra, hãy tự hỏi lòng : Điều gì làm chính bạn hạnh phúc? Điều gì làm con bạn hạnh phúc? Mỗi ngày trôi qua như thế nào là vui vẻ hạnh phúc?


Hạnh phúc nhỏ làm nên hạnh phúc to. Bạn nhỉ?

bottom of page