Gần cuối năm rồi, thời điểm đẹp để tổng kết những bài học năm cũ, bạn nhỉ ?
Đâu là người khiến bạn ấn tượng sâu sắc năm vừa qua? Cùng chia sẻ nhé.
Đợt tháng 9, Thuý có 1 chuyến đi Mỹ. Cũng đến tận giờ mới có thời gian ngồi nghiền ngẫm lại kĩ hơn những gì học được.
Một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho mình trong chuyến đi, chính là nhân vật ở trong bức hình này.
Đây là tượng của bác Edison, đặt ở vườn cây bên trong khu nghỉ dưỡng mùa đông của bác ấy.
Khu nghỉ dưỡng này cực kì rộng, đi lòng vòng ngoài vườn cũng mất nguyên một buổi. Vì nằm cạnh bờ sông Caloosahatchee, nên không gian cũng mang theo vẻ thơ mộng và êm ả của nước. Ngoài bãi cỏ rộng xanh mướt thì cũng có vô số các loài cây nhiệt đới chễm chệ ở đó, có những cây hàng trăm năm tuổi đời, cũng có những cây vừa mới được trồng thêm vào.
Bước vào cổng đã là nguyên một vườn cây sum suê toả bóng mát, với hệ rễ móc đồ sộ mọc từ các cành xuống. Những rễ non thì còn lơ lửng trong không khí, còn những rễ già thì đã đâm sâu vào lòng đất và phát triển thành trụ đỡ.
Lúc vừa bước vào, Louis khều Thuý hỏi nhỏ, "ủa em, mấy cái cây đó người ta tạo dáng kiểu gì hay quá hen". Mình phì cười, ôi cái anh chồng tôi, hẳn là kí ức tuổi thơ anh không hề có hình ảnh cây đa đầu làng như vợ rồi. Sau khi được vợ giải thích rằng đó là phát triển tự nhiên chứ không bàn tay nào kiến tạo được cả, anh ấy vẫn bán tín bán nghi không hiểu thiên nhiên nào lại tạo được hệ thống chằng chịt ấy "Nguyên cái khu này như là từ 1 cái cây chứ chẳng phải nhiều cây em ạ".
Tạm bỏ qua chuyện vườn cây (mà mình có thể nói say sưa cả ngày không hết chuyện), lại quay về với nhân vật chính của bài viết, là bác Thomas Edison. Có lẽ đây là một trong những vĩ nhân khoa học hiếm hoi mà hầu hết người Việt Nam đều biết đến, "là người phát minh ra bóng đèn điện". Thực ra bác ấy không phải là người phát minh, mà là người cải tiến và thương mại hoá đèn điện, đem bóng đèn điện đến mọi nhà. Bác ấy từng nói, "Chúng tôi sẽ khiến điện rẻ đến mức chỉ có người giàu mới dùng nến" (We will make electricity so cheap that only the rich will burn candles). Sự thật về sau như thế nào, chắc hẳn mọi người đều rõ.
Thế nhưng bác ấy không chỉ phát minh ra bóng đèn điện đâu. Trong suốt cả cuộc đời mình, bác ấy sở hữu tổng cộng 1093 bằng sáng chế. Từ bóng đèn, đến máy hát (phonograph), máy quay phim (kinetograph), máy chiếu phim (kinetoscope),... Thậm chí bác cũng là người lập ra studio phim "Black Maria" - studio phim đầu tiên trên thế giới, mở đường cho ngành công nghiệp điện ảnh đại chúng. Trong lúc tham quan bọn mình cũng có dịp nói chuyện với một bác 93 tuổi vô cùng thú vị, bài học từ bác ấy, có lẽ mình xin phép chia sẻ với mọi người ở một dịp khác.
Edison cũng có một tình bạn sâu sắc với đặc biệt với Henry Ford, cha đẻ của ngành công nghiệp ô tô. Có thể nói, chính sự tin tưởng và khích lệ của Edison thời gian đầu đã khiến Henry Ford có niềm tin để bắt đầu hành trình thay đổi thế giới. Câu chuyện về tình bạn đặc biệt này của Edison, mình lại cũng xin phép hẹn lại một bài viết đầy đủ hơn.
Mình chỉ xin phép cám ơn người bạn đặc biệt của riêng mình, chị Ly Moss, đã dẫn mình đến đây và đã biến trải nghiệm những ngày ở Mỹ của mình trở thành kỉ niệm khó quên trong đời.
Trong khuôn khổ bài viết ngày hôm nay, mình muốn dành để chia sẻ về khám phá thú vị nhất và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với mình. Đó chính là về dự án nghiên cứu cao su mà Edison đã khởi xướng thực hiện trong những năm cuối đời.
Dự án này, được khởi xướng vào năm 1927, từ những bài học đắt giá của nước Mỹ sau Thế chiến thứ nhất và nỗi lo ngại về một cuộc chiến tranh mới.
Trong Thế chiến thứ nhất, nước Mỹ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cao su khi các tàu vận chuyển từ châu Á liên tục bị tấn công, gây gián đoạn nguồn cung và đẩy giá cao su lên cao chóng mặt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô đang phát triển mạnh mẽ mà còn gây khó khăn cho cả quân đội Mỹ.
Với sự thuyết phục của người bạn thân Henry Ford, bác Edison, lúc này đã 80 tuổi, đã quyết định bắt tay giải quyết bài toán hóc búa : tìm kiếm nguồn cao su thay thế có thể trồng được trên đất Mỹ. Người đàn ông ấy, dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài làm việc 12-14 giờ mỗi ngày, đích thân kiểm tra hơn 17,000 mẫu thực vật. Cuối cùng, ông đã phát hiện và cải tiến được giống cây kim sương với hàm lượng cao su cao gấp 12 lần thông thường. Mặc dù dự án chưa kịp đi đến thành công thì sức khỏe của bác đã suy giảm và bác qua đời năm 1931, nhưng tầm nhìn chiến lược của bác đã được chứng minh là chính xác khi Thế chiến thứ hai nổ ra.
Có một điều Thuý cảm thấy mình ngấm sâu sắc khi đứng trước phòng thí nghiệm cao su của bác, đó là không bao giờ là quá già hay quá trễ để ta có thể mang lại những giá trị cho cuộc đời, miễn là trong ta vẫn còn ngọn lửa của niềm say mê lao động. Tạo hoá ban cho ta đôi tay này, trí óc này, không phải là để ta phí hoài nó và viện cớ để biện minh cho sự lười biếng của chính mình.
Chính trong quá trình kiến tạo giá trị đó, ta tìm ra ý nghĩa của hạnh phúc.
Vậy thì, câu hỏi đọng lại, để suy ngẫm mỗi ngày. "Ta chỉ nắm chắc cuộc đời này để sống, rút cuộc thì, ta muốn sống như thế nào?"
13/12/2024
Thuý Hoàng
All Happiness