top of page
Ảnh của tác giảThúy Hoàng

Ăn uống trong sự tỉnh thức dưới góc nhìn khoa học

Ăn uống với sự tỉnh thức : Khoa học đằng sau triết lý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

"Khi chúng ta ăn với tâm bình an và sự biết ơn, món ăn trở thành một phương tiện kết nối với cuộc sống và chính mình." – Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ mang đến một lối sống chánh niệm, mà ông còn đặt nền móng cho việc hiểu sâu hơn về những tác động của nó đối với cơ thể và tâm trí. Một trong những triết lý nổi bật của ông, ăn uống với sự tỉnh thức, hay ăn uống chánh niệm, đã được khoa học chứng minh là có lợi ích lớn trong việc quản lý cảm giác no, cải thiện tiêu hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Chánh niệm không phải là điều gì xa vời. Đó là khả năng quay về hiện tại, sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc." – Thích Nhất Hạnh

Cuộc trò chuyện ngốn thời gian giữa dạ dày và não bộ

Hãy thử nhớ lại lần gần đây nhất bạn ăn tối. Có phải bạn vừa ăn vừa cầm điện thoại lướt mạng? Hoặc tranh thủ bật TV xem chương trình yêu thích? Đĩa thức ăn trên bàn dần trống trơn mà bạn không nhận ra mình đã ăn hết từ lúc nào. Và chỉ một lúc sau, cái bụng bắt đầu căng tức, khó chịu.

Chuyện này không chỉ xảy ra với riêng bạn. Chúng ta, ai cũng từng rơi vào vòng xoay đó.

Khi thức ăn vào dạ dày, Bên trong cơ thể bạn, một hành trình thú vị đang diễn ra. Khi thức ăn vào dạ dày, các hormone như ghrelin – hormone báo đói, bắt đầu giảm đi, trong khi leptin – hormone báo no, từ từ tăng lên. Những tín hiệu này được truyền đến não bộ thông qua hệ thần kinh, thông báo rằng: "Chúng ta đã no!"

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc: não bộ cần ít nhất 20 phút để xử lý các tín hiệu này. Điều đó có nghĩa là nếu bạn ăn quá nhanh, não không kịp nhận tín hiệu, và bạn dễ dàng ăn vượt mức cần thiết.

Góc nhìn dược sĩ: Kết hợp triết lý và y học

Lời giải cho bài toán ăn uống mất kiểm soát này chính là phương pháp “ăn uống chánh niệm” của thầy Thích Nhất Hạnh.

Chánh niệm, theo cách đơn giản nhất, là khả năng nhận biết và tập trung vào điều đang xảy ra ở hiện tại mà không bị phân tâm. Điều này không phải là điều xa vời, cũng không phải việc ngồi thiền hàng giờ, mà chỉ đơn giản là giành vài giây ngắm nhìn bữa ăn, cảm nhận hương thơm, màu sắc của món ăn trước khi bắt đầu. Lúc ăn thì nhai chậm rãi, thưởng thức hương vị của từng món ăn chứ không vừa ăn vừa làm việc khác.

Những lợi ích của ăn uống chánh niệm không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà đã được nhiều nghiên cứu thực nghiệm chứng minh.

  • Kéo dài thời gian ăn: Giúp não bộ nhận biết tín hiệu no kịp thời.

  • Nhai kỹ thức ăn: Giúp thức ăn được nghiền nhỏ và dễ tiêu hóa hơn.

  • Giảm căng thẳng: Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa.

  • Tăng cường hấp thụ dinh dưỡng: Giúp cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất từ thức ăn.

Lilian Cheung, một chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên tại Trường Y tế Harvard, đã đề xuất ăn uống chánh niệm như một cách để giảm cân trong cuốn sách năm 2010 của bà, Savor: Mindful Eating, Mindful Life, mà bà là đồng tác giả với Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Stephanie Meyers, một chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Ung thư Dana-Farber, cũng sử dụng các kỹ thuật chánh niệm để giúp bệnh nhân ung thư khôi phục khả năng ăn uống. Ví dụ, cô ấy sẽ khuyến khích những người sống sót sau ung thư đầu và cổ thiền định về thức ăn khi họ đang thực hiện quá trình phục hồi từ dùng ống nuôi trở về ăn uống bình thường. Một trong những bài thiền bao gồm việc yêu cầu bệnh nhân cắn một miếng táo, nhắm mắt lại và tập trung vào trải nghiệm cảm giác nếm, nhai và nuốt.

"Bữa ăn không chỉ để nuôi dưỡng cơ thể, mà còn là để kết nối tâm hồn.” - Thầy Thích Nhất Hạnh

Một số gợi ý để bạn có thể bắt đầu với ăn uống chánh niệm :

  • Kiểm tra cơn đói: Trước khi mở tủ lạnh hoặc tủ đựng thức ăn, hãy hít thở sâu và tự hỏi: "Mình có thực sự đói không?". Nếu không, hãy làm việc khác, chẳng hạn như đọc sách hoặc đi dạo một chút.

  • Tắt TV và cất điện thoại: Để bữa ăn trở thành khoảng thời gian kết nối với chính mình thay vì là cơ hội giải trí.

  • Hẹn giờ 20 phút: Dùng đồng hồ hẹn giờ để đảm bảo bạn dành đủ 20 phút cho một bữa ăn có khẩu phần ăn bình thường

  • Thay đổi tay thuận / dùng đũa : Nếu bạn thuận tay phải, hãy thử dùng tay trái để cầm thìa / nĩa khi đưa thức ăn lên miệng. Nếu bạn không thường xuyên dùng đũa, hãy thử sử dụng chúng.

  • Ăn trong im lặng: Dành 5 phút để ăn trong im lặng và suy ngẫm về những gì đã tạo nên bữa ăn đó, từ ánh nắng mặt trời đến người nông dân, người vận chuyển hàng trong siêu thị và người nấu ăn.

  • Cắn miếng nhỏ và nhai kỹ: Tập trung vào việc nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.

  • Chú ý từng miếng ăn: Cảm nhận vị mặn, ngọt, chua, cay; nhai chậm và quan sát kết cấu của thức ăn.

Chúng ta không cần ăn nhiều hơn để cảm thấy hạnh phúc. Thực ra, sự thỏa mãn đến từ việc lắng nghe cơ thể – điều mà ai cũng có thể làm được, nếu ta dành một chút chánh niệm cho bữa ăn.

Hãy để mỗi bữa ăn trở thành một khoảnh khắc kết nối, không chỉ với món ăn, mà còn với chính bạn, bạn nhé. Bắt đầu lắng nghe cơ thể và chia sẻ trải nghiệm của bạn cùng mình. Mình rất mong nhận được bình luận của bạn về bài viết này. Nếu bạn thấy hữu ích, đừng ngần ngại chia sẻ để thông điệp này đến với nhiều người hơn nữa.

Nguồn tham khảo

  • Harvard Health Publishing. Mindful Eating.

  • Cheung, L., & Thích Nhất Hạnh. (2010). Savor: Mindful Eating, Mindful Life. HarperOne.

bottom of page