top of page
Ảnh của tác giảThúy Hoàng

32 chiếc răng của loài người và bí mật về sức khoẻ

Kỷ niệm ăn chậm và lời thách đố thời sinh viên

Hồi mình còn học tiếng Pháp ở HANU (Đại Học Hà Nội), sống cùng với vài chị khóa trên trong ký túc xá, giờ ăn nào cũng có tiếng cười đùa vui vẻ. Các chị hay trêu mình là “người ăn chậm nhất phòng”. Mỗi bữa, mình luôn là người ăn xong sau cùng, hộp cơm của mình chưa vơi được một nửa khi mọi người lần lượt rời mâm. Đến một ngày, một chị tuyên bố: “Giờ mình luyện bài chống ăn chậm, để chị đếm cho em!” Thế là các chị bắt đầu thử nghiệm đếm từ một đến năm xem cho mình nuốt.


Mỗi lần nhai, các chị đếm “Một, hai, ba…” rồi thúc giục: “Nuốt đi chứ, nhai gì kỹ vậy?” Nhưng mình, dù rất cố gắng để đếm đến 5 rồi nuốt, nhưng thức ăn cứ mắc nghẹn không trôi vào cuống họng. Kết cục, mình vẫn phải nhai đến tận… 20 nhịp mới thấy thoải mái để nuốt. Các chị cười phá lên, bó tay với cái độ bất lực của con em.

Mãi sau này, mình mới phát hiện thói quen "nhai kỹ" đó lại là một cách giúp tiêu hóa tốt hơn. Giờ nghĩ lại, thấy kỷ niệm ấy thật đáng yêu và cảm thấy biết ơn thói quen "không nuốt nổi khi đếm đến 5" của mình. Và cũng từ ngày ấy, mình bắt đầu hiểu rằng những thói quen nhỏ có thể làm nên sự khác biệt lớn cho sức khỏe, chỉ là lúc đó mình chẳng hề nhận ra.


“Kẻ phản diện” mang tên thói quen ăn nhanh và ít nhai

Thói quen ăn nhanh, nhai qua loa chính là “kẻ phản diện” âm thầm gây hại cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của chúng ta. Trong thời đại công nghiệp hóa, khi tốc độ trở thành tiêu chuẩn, nhiều người có xu hướng ăn vội, nuốt nhanh để kịp giờ làm việc, thậm chí còn vừa ăn vừa làm. Tuy nhiên, nhai kỹ không chỉ giúp nghiền nhỏ thức ăn mà còn kích thích cơ thể tiết ra enzyme tiêu hóa cần thiết để phân hủy các chất dinh dưỡng. Đặc biệt với chế độ ăn chứa nhiều thực vật, việc nhai kỹ giúp enzyme amylase trong nước bọt bắt đầu phân giải tinh bột, giảm gánh nặng cho dạ dày và ruột.

Mỗi lần nhai nên duy trì khoảng 30 – 50 lần để đảm bảo thức ăn được nghiền nhuyễn hoàn toàn trước khi đi vào dạ dày. Điều này không chỉ cải thiện quá trình tiêu hóa mà còn làm tăng cảm giác no, giúp ngăn chặn tình trạng ăn quá nhiều.


Góc nhìn dược sĩ: 32 chiếc răng của loài người ẩn chứa nhiều bí mật về dinh dưỡng

Con người có 32 chiếc răng, và sự sắp xếp của những chiếc răng này không phải là ngẫu nhiên. Bác sĩ Hiromi Shinya, một chuyên gia nổi tiếng về tiêu hóa, cho rằng cấu trúc và số lượng răng của con người phản ánh chế độ ăn lý tưởng mà chúng ta nên duy trì để đảm bảo sức khỏe. Theo ông, nếu chia răng thành các loại chức năng, chúng ta sẽ thấy có:

  • 4 răng nanh: thường để xé thức ăn động vật

  • 28 răng còn lại: chủ yếu để cắn và nghiền thực vật

Dựa trên cấu trúc này, bác sĩ Hiromi đề xuất rằng chế độ ăn uống của con người nên ưu tiên thực vật nhiều hơn động vật, lý tưởng là tỷ lệ 85% thực vật và 15% động vật. Cơ thể con người vốn không được thiết kế để tiêu hóa quá nhiều thịt. Lượng răng nanh ít ỏi so với răng hàm và răng cửa là dấu hiệu tự nhiên cho thấy chúng ta không phải là loài ăn thịt chính thống như sư tử hay hổ. Thay vào đó, con người tiến hóa để tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm thực vật phong phú hơn.


Nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen nhai kỹ và chế độ ăn ưu tiên thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và ngăn ngừa bệnh tật.

  • Khi ăn một lượng thực phẩm thực vật lớn và nhai kỹ, thức ăn sẽ được nghiền nát, giúp dạ dày dễ dàng phân giải, tiết acid và enzyme tiêu hóa kịp thời để xử lý thực phẩm. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa mà còn hỗ trợ điều hòa lượng đường trong máu, ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường và béo phì.

  • Thực phẩm thực vật chứa chất xơ và nhiều enzyme tự nhiên giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Hệ vi sinh vật này đóng vai trò như một “lá chắn” bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch.

Một vài thông tin khoa học thú vị cho những ai đang muốn giảm cân : Ăn chậm có khả năng giúp giảm béo :

  • Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Physiology & Behavior cho thấy việc nhai kỹ có thể làm giảm cảm giác đói và lượng thức ăn tiêu thụ, nhờ vào việc tăng cường tiết hormone đường ruột liên quan đến cảm giác no.

  • Ngoài ra, một nghiên cứu khác trên tạp chí Obesity phát hiện rằng ăn chậm và nhai kỹ làm tăng sinh nhiệt do chế độ ăn, tức là tăng tiêu hao năng lượng sau khi ăn, góp phần vào quản lý cân nặng hiệu quả.

Nếu bạn cũng có những trải nghiệm thú vị về thói quen ăn uống hoặc nhận thấy sự khác biệt khi ăn chậm, đừng ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình ở phần bình luận nhé! Cũng đừng quên chia sẻ bài viết này để lan tỏa bí quyết sống khỏe đến nhiều người hơn.

Nguồn tham khảo

bottom of page